Ngày lễ Nhật Bản

Ngày Quốc khánh (建国記念の日)

Ngày 11/2: NGÀY QUỐC KHÁNH (建国記念の日 Kenkoku Kinen no Hi)

Ngày Quốc Khánh được coi là 1 trong 4 ngày lễ lớn nhất tại Nhật Bản.

Đây là một trong những ngày nghỉ lễ trong năm rất quan trọng của người Nhật. Trong ngày Quốc khánh, các lễ hội được tổ chức rất long trọng với nhiều đoàn diễu hành khắp các đường phố.

Ngày lễ này ban đầu được gọi là Kigensetsu (紀元節). Vào thời kì Minh Trị (Meiji), Nhật Bản được cai trị bởi Thiên Hoàng. Ngày 29/1/1872 được chọn là ngày kỷ niệm bắt đầu khai quốc của Thiên Hoàng đầu tiên của nước Nhật – Thiên Hoàng Jimmu.

Lúc bấy giờ dù đã chính thức chuyển sang dùng Dương lịch nhưng đa số người dân Nhật Bản vẫn sử dụng lịch âm Trung Quốc nên Kigensetsu có phần bị coi nhẹ hơn so với ngày Tết cổ truyền.

Năm 1873, Chính phủ chuyển Kigensetsu sang ngày 11/2 với lí do đúng với ngày đăng cơ của Thiên hoàng Jimmu hơn. Ngày lễ này được duy trì đến năm 1948 thì bị bãi bỏ sau Thế Chiến II, do Nhật thất bại và nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ nên ngày lễ này đã bị mất nhằm xóa bỏ tư tưởng về sự ảnh hưởng của Thiên Hoàng trước đây. Nhưng về sau, được sự ủng hộ của người dân, Năm 1966, ngày lễ này được tái lập và lấy tên là Ngày quốc khánh của Nhật Bản (建国記念の日 – Kenkoku Kinen no Hi), là ngày thể hiện lòng yêu nước và tình yêu dân tộc.

* Đôi nét về THIÊN HOÀNG JIMMU (Nguồn: wiki)

Thiên hoàng Jimmu (神武天皇 – Thần Vũ Thiên Hoàng) sinh ra theo ghi chép mang tính thần thoại trong Cổ Sự Ký vào 1 tháng 1 năm 711 TCN, và mất cũng theo truyền thuyết, ngày 11 tháng 3, năm 585 TCN (cả hai đều theo âm lịch truyền thống Nhật Bản), là người sáng lập theo truyền thuyết của đất nước Nhật Bản và là vị Thiên hoàng đầu tiên có tên trong Danh sách Thiên hoàng truyền thống.

Hoàng gia Nhật Bản tuyên bố mình là hậu duệ của Thiên hoàng Jimmu. Theo niềm tin Thần đạo, Jimmu được coi là hậu duệ trực tiếp của nữ thần Mặt trời Amaterasu.

Xuân Phân (Ngày 21 hoặc 20/3)

Đây là khoảng thời gian của lần thứ nhất trong năm, khi mà ngày và đêm được cân bằng tại Bắc bán cầu. Tại Nhật Bản, đây là ngày lễ quốc gia của nhân dân, cũng là thời gian để kính nhớ ông bà tổ tiên với việc cầu phúc cho một vụ mùa bội thu vào năm nay. Các gia đình sẽ đi thăm mộ tổ tiên và cầu nguyện. Người Nhật thường dùng hoa trắng và Ohagi (một loại bánh Mochi) để bày cúng. 

Ngoài ra, ngày lễ và sự kiện Nhật Bản này cũng là thời điểm các ngôi đền của Nhật Bản sẽ tổ chức các hoạt động mừng mùa vụ mới tốt tươi với các tập tục như cầu xin các vị thần Kami.

 Ohagi (một loại bánh Mochi của Nhật)

Người Nhật có câu tục ngữ: “Atsusa samusa mo higan made” (暑さ寒さも彼岸まで), có nghĩa là “Có nóng hay lạnh đến mấy thì đến ngày Higan cũng phải dứt…”.

“Higan” là một Hán từ 彼岸 đọc theo âm Nhật, Việt Hán ta đọc là “Bỉ Ngạn”.“Hi” là “Bỉ” nghĩa là ở phía bên kia, “gan” là “Ngạn” nghĩa là bờ, ghềnh. Higan nghĩa là ranh giới, giao thời. Higan là một ngày lễ đặc biệt của Phật giáo tại Nhật. Khoảng 3 ngày trước sau ngày xuân phân được gọi là Higan mùa xuân, và khoảng 3 ngày trước sau ngày thu phân được gọi là Higan mùa thu. Cả hai Higan đều là thời gian chuyển mùa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *