Teru Teru Bouzu – Búp bê cầu nắng
Mùa mưa là mùa mà trẻ con Nhật Bản ghét nhất bởi vì không thể ra ngoài chơi đùa. Cho nên để cầu cho trời mau tạnh họ thường làm những con búp bê cầu trời nắng gọi là Teru Teru Bouzu treo trước cửa sổ hoặc hiên nhà.
Trong tiếng Nhật, Teru có nghĩa là trời nắng, Bouzu có nghĩa là thầy tu, với ý nghĩa như một loại bùa cầu cho thời tiết được đẹp. Nếu trời mưa, treo Teru Teru Bouzu với mong muốn mưa sẽ mau tạnh hơn.
Búp bê Teru Teru Bouzu bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa. Thời đó, tại một làng quê, trời mưa cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác làm ảnh hưởng tới mùa màng. Một thầy tu đã đứng ra nhận trách nhiệm sẽ làm mưa chấm dứt. Cuối cùng ông bị hành hình vì đã không hoàn thành lời hứa mang nắng tới. Có lẽ vì vậy mà Teru Teru Bouzu có chiếc đầu trọc giống như một thầy tu vậy.
Teru Teru Bouzu phổ biến từ thời Edo, được các bạn nhỏ ở các thành thị Nhật Bản thời bấy giờ treo trước cửa sổ phòng học, phòng ngủ hay trước hiên nhà. Búp bê Teru Teru Bouzu thường được làm bằng giấy hoặc vải màu trắng. Cách làm cũng vô cùng đơn giản. Lấy vải hay bông gòn vo thành khối tròn be bé. Cho khối tròn ấy vào giữa một mảnh vải hay giấy màu trắng rồi dùng dây cột túm lại. Để làm khuôn mặt cho Teru Teru Bouzu, bạn có thể dùng chỉ để thêu hay bút để vẽ đều được nhé.
Ngày nay trẻ em Nhật Bản làm teru teru bouzu bằng khăn giấy hoặc vải bông và treo chúng lên cửa sổ để cầu một ngày nắng tốt, nhất là trước những buổi cắm trại, picnic ngoài trời.
Kokeshi -Búp bê gỗ Nhật Bản
Kokeshi là búp bê gỗ làm bằng tay của người Nhật. Chúng được biết đến như là một trong những tác phẩm nghệ thuật dân gian truyền thống quan trọng và lâu đời nhất của xứ sở hoa anh đào.
Từ thời Edo (1600-1868), búp bê Kokeshi là sản phẩm nổi tiếng của vùng Tohoku, phía đông bắc Nhật Bản. Kokeshi có hình dáng như bé gái có đầu tròn tương đối to và thân hình trụ. Nét mặt được vẽ bằng những đường nét đơn giản. Trên thân búp bê được phủ một lớp sáp mỏng. Họa tiết trên thân cũng đơn giản như hoa lá cỏ cây với những gam màu cơ bản như đen, đỏ, vàng và tím. Điểm đặc biệt là búp bê này là không có chân tay.
Kokeshi được làm chủ yếu từ gỗ cây muzuki (cây nước) do thớ gỗ loài cây mềm mại hơn. Tuy nhiên, loại gỗ được ưu chuộng nhất là gỗ cây anh đào vì có gam màu sẫm truyền thống. Ngoài ra, gỗ của loài cây phong Nhật Bản cũng được sử dụng để làm búp bê Kokeshi cả truyền thống và hiện đại. Loại gỗ này được để ngoài trời từ 1 đến 5 năm trước khi đưa vào chế tác.
Do được làm hoàn toàn bằng tay nên mỗi con búp bê đều là duy nhất không đụng hàng. Vì thế Kokeshi trở thành một trong những đồ chơi truyền thống hấp dẫn nhất vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Ước tính có 11 loại Kokeshi truyền thống tương ứng với các thôn, làng… được sản xuất trong sáu tỉnh của Tohoku. Riêng ở làng Naruko Osen, chế tác búp bê Kokeshi là được xem là nghề thủ công chính, và con đường chính của làng cũng mang tên Kokeshi.
Búp bê Kokeshi truyền thống là biểu tượng cho sự an lành. Người ta tin rằng những đứa trẻ chơi với những con búp bê này sẽ được trời che chở và khỏe mạnh. Họ cũng tin tưởng búp bê Kokeshi hứa hẹn sẽ mang đến một vụ mùa bội thu. Một số khác mua con búp bê về để chúng bảo vệ ngôi nhà khỏi hỏa hoạn…